Chống thấm sàn mái – Các biện pháp chống thấm và Quy trình thi công

Chống thấm sàn mái là một trong những hạng mục quan trọng bậc nhất trong quá trình thi công nhà phố. Nếu chống thấm sàn có độ quan trọng 1 thì việc chống thấm sàn mái có độ quan trọng gấp 3 lần. Vì đây là cửa ngõ đầu tiên để giúp ngôi nhà chống chọi hàng ngày với thời tiết khắc nghiệt bên ngoài.

Những nguyên nhân gây thấm sàn mái

Sàn mái có đặc điểm là chịu rất nhiều các tác động của môi trường bên ngoài như nhiệt độ, nắng, gió, mưa nên sàn mái là vị trí rất dễ gây thấm cho ngôi nhà bởi một trong các nguyên nhân sau:

  • Sàn mái có nhiều vị trí đọng nước do bề mặt không bằng phẳng, bị lồi lõm hoặc tạo dốc không chính xác làm nước không thoát hết được và đọng lại. Việc đọng nước lâu ngày sẽ gây thẩm thấu nước xuống các mao mạch hoặc lỗ rỗng có sẵn trong bê tông, tạo ra hiện tượng thấm ở mặt dưới bê tông.
  • Với khu vực có độ chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ban ngày / ban đêm hoặc giữa mùa hè / mùa đông như khu vực TP. Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành miền Trung, rất dễ xảy ra hiện tượng nứt sàn bê tông do co ngót. Đó là do khả năng chịu lực của bê tông không đủ chống lại lực co ngót do độ chênh lệch của thời tiết gây ra.
  • Chất lượng bê tông kém tạo độ xốp nên khi có nước tiếp xúc bề mặt thì dễ dàng thẩm thấu xuống bên dưới.
  • Lớp phủ bề mặt như lớp vữa, lớp gạch men bị nứt gây rò rỉ nước xuống bên dưới trong khi không có lớp chống thấm trên bề mặt bê tông. Nước ẩm lâu ngày sẽ thẩm thấu và thấm xuống bên dưới.
Chống thấm sàn mái nhằm bảo vệ khu vực náy trước tác động của thời tiết, khí hậu, sau đó là làm đẹp và giữ gìn kết cấu ngôi nhà. Ảnh minh họa: archdaily.cn

Chống thấm sàn mái nhằm bảo vệ khu vực náy trước tác động của thời tiết, khí hậu, sau đó là làm đẹp và giữ gìn kết cấu ngôi nhà. Ảnh minh họa: archdaily.cn

Một vị trí sàn mái bị nứt co ngót đang được xử lý

Các biện pháp chống thấm sàn mái thông dụng

Việc chống thấm sàn mái tương tự như việc tạo ra các lớp phòng thủ cho bê tông sàn để chống chọi lại môi trường bên ngoài. Có nhiều biện pháp chống thấm cũng như vật liệu chống thấm nhưng tựu chung lại được chia thành 3 lớp phòng thủ cơ bản. Trong đó bạn có thể sử dụng một trong 3 lớp phòng thủ hoặc có thể sử dụng đồng thời cả 3 lớp phòng thủ tùy vào điều kiện thực tế về môi trường, nguồn vốn đầu tư cho công trình…

3 lớp phòng thủ nhằm chống thấm sàn mái bao gồm các lớp sau:

Lớp bảo vệ ngoài cùng

Đây là lớp bảo vệ ngăn nước mưa tiếp xúc trực tiếp lên trên bề mặt sàn mái. Nước sẽ chảy bên trên lớp phòng thủ thứ nhất này và được thu vào các máng xối để dẫn về ống thoát nước. Thông thường lớp phòng thủ này có thể sử dụng mái tôn hoặc mái ngói.

Lớp bảo vệ trực tiếp

Đây là lớp phủ được thi công trực tiếp lên bề mặt bê tông. Nước sẽ chảy trên bề mặt sàn mái nhưng không tiếp xúc trực tiếp với sàn bê tông do bị cách ly bởi lớp phủ trực tiếp này. Thông thường lớp phủ bảo vệ trực tiếp được thi công bằng cách quét một số lớp chống thấm dạng lỏng lên trực tiếp trên bề mặt bê tông, sau đó được cán một lớp vữa bảo vệ, và có thể quét thêm một lớp chống thấm khác lên trên lớp vữa.

Screen Shot 2023 11 11 at 09.45.40 Chống thấm sàn mái – Các biện pháp chống thấm và Quy trình thi công
Bề mặt sàn mái đã được chống thấm bằng lớp phủ

Lớp bảo vệ tự nhiên

Bê tông cũng có khả năng tự chống thấm khá tốt nếu được thi công đúng tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo kỹ thuật. GROUP 4N đã thi công nhiều công trình với quy trình chống thấm sàn, kết quả thực tế cho thấy sàn bê tông được thi công tốt có thể tự chống chịu được với nước ít nhất 30 ngày trong điều kiện sàn ngập hoàn toàn trong nước. Đặc biệt, nếu thi công đúng kỹ thuật, ngoài việc tạo lớp bảo vệ tự nhiên cho bê tông, một lợi ích lớn khác là biện pháp này hoàn toàn không tốn thêm chi phí.

Tham khảo: Chống thấm sàn bê tông bằng phương pháp tự nhiên, không tốn chi phí

Quy trình chống thấm sàn mái

Đối với lớp bảo vệ ngoài cùng (1), thông thường sử dụng mái tôn hoặc mái ngói, thuộc về chuyên môn xây dựng, do đó GROUP 4N sẽ đề cập phần này ở bài viết khác.

Đối với lớp bảo vệ tự nhiên (3), GROUP 4N đã có bài viết khá chi tiết tại đây: Chống thấm sàn bê tông bằng phương pháp tự nhiên, không tốn chi phí

Ở phần này, GROUP 4N sẽ tập trung làm rõ quy trình chống thấm với các bước để thi công lớp bảo vệ trực tiếp trên bề mặt bê tông trong công tác chống thấm sàn mái.

Chuẩn bị bề mặt trước khi thi công chống thấm

Bước đầu tiên trong quy trình chống thấm sàn mái là chuẩn bị bề mặt thi công, trong đó bao gồm các bước và biện pháp để vệ sinh bề mặt bê tông. Giai đoạn này khá quan trọng vì nó giúp lớp hóa chất chống thấm bám dính vào bề mặt bê tông, ảnh hưởng đến chất lượng và độ bền của lớp hóa chất chống thấm. Nếu không chuẩn bị tốt bề mặt, lớp hóa chất chống thấm sẽ dễ dàng bị bong tróc, rửa trôi dẫn tới thấm sàn. Các công việc cụ thể của bước chuẩn bị bề mặt thi công như sau:

  • Quét sạch bụi bẩn, đục bỏ các phần vữa thừa, tạp chất trên bề mặt bê tông. Có thể dùng rìu, bàn chải sắt hoặc máy mài để thi công công đoạn này.
  • Trám các lỗ nhỏ, vết lõm nhỏ hình thành do quá trình đổ bê tông bằng vữa sửa chữa chuyên dụng.
  • Xử lý vết nứt bê tông bằng cách cắt mở rộng vết nứt hình chữ V, sau đó trám lại bằng các loại hóa chất (keo) dán bê tông chuyên dụng.
  • Tưới ẩm bão hòa bề mặt bằng nước sạch trước khi bắt đầu quét các lớp hóa chất chống thấm.
son chong tham mai lo thien 696x372 1 Chống thấm sàn mái – Các biện pháp chống thấm và Quy trình thi công
Mở rộng khe nứt để trám trước khi chống thấm sàn mái

Chuẩn bị phụ gia chống thấm

Có nhiều loại phụ gia chống thấm bề mặt, trong đó thông dụng nhất là phụ gia gốc bitum, phụ gia gốc xi măng, phụ gia gốc dầu. GROUP 4N thường chọn thi công chống thấm bằng phụ gia gốc xi măng do khả năng kết nối tốt với bề mặt bê tông, đồng thời độ co giãn cũng rất tốt, và chịu được thời tiết khắc nghiệt so với các loại kia. Có thể kể ra một số phụ gia loại này là Sika TopSeal 107, Masterseal 540…

Các loại phụ gia này được đóng gói thành 2 thành phần khác biệt gồm 01 gói dạng bột và 01 gói dạng lỏng. Ta tiến hành trộn 2 thành phần này lại với nhau. Tốt nhất nên trộn bằng máy khoan tay loại mạnh tốc độ chậm (600v/p) gắn với lưỡi trộn phù hợp.

Trước hết cho khoảng 75% thành phần A (lỏng) vào trong một thùng sạch. Sau đó cho máy trộn chạy và cho thành phần B (bột) vào từ từ. Trộn trong khoảng 3 phút cho đến khi tạo thành hỗn hợp đồng nhất. Tiếp theo cho toàn bộ phần còn lại của thành phần A vào nếu thi công trên bề mặt ngang, hoặc chỉ 1 phần nếu thi công trên bề mặt đứng để giảm độ linh động của hỗn hợp, và trộn tiếp đến khi hỗn hợp đạt độ đồng nhất.

Lưu ý: Nếu sử dụng máy phun hộp số, phải trộn đều vật liệu trước khi cho vào máy phun.

Thi công quét lớp phụ gia chống thấm

Trước khi thi công chống thấm, cần chú ý che chắn khu vực thi công khỏi bị tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời trực tiếp và gió để tránh cho lớp phụ gia bị khô quá nhanh.

Có thể thi công phụ gia chống thấm bằng cọ, con lăn hoặc phun lên bề mặt để tạo nên màng liên tục. Độ dày của lớp màng khoảng từ 1-2mm cho bề mặt thẳng đứng, trần, và 1–3mm cho các bề mặt nằm ngang. Tối thiểu thi công làm 2 lớp, và quét sao cho lớp thi công sau thực hiện vuông góc với lớp trước để tránh lỗ mọt bọt khí. Thời gian quét lớp thứ 2 cách lớp thứ nhất từ 2-3 giờ đồng hồ, khi lớp thứ 1 đã khô.

Trong thời tiết nắng nóng, có thể cần kéo dài thời gian đông kết của phụ gia chống thấm để giảm nguy cơ bị tắc vòi phun trong khi tiến hành phun.

Cần lưu ý định mức thi công chống thấm với các lớp phụ gia theo hướng dẫn các hãng sản xuất có trên bao bì.

Sau khi thi công xong cần lưu ý vệ sinh các dụng cụ để lưu trữ nhằm có thể tái sử dụng.

son chong tham mai lo thien 696x372 1 Chống thấm sàn mái – Các biện pháp chống thấm và Quy trình thi công
Thi công lớp phủ chống thấm bằng con lăn

Bảo dưỡng lớp phụ gia chống thấm

Cần giữ lớp màng khô chậm để đảm bảo chất lượng đồng nhất, tăng cường tính năng chống thấm. Ngoài ra cần bảo vệ lớp màng tránh khỏi tình trạng khô quá nhanh do nhiệt độ cao hoặc gió mạnh. Nên tiến hành bảo dưỡng bằng việc phủ bao tải ướt, tấm trải nhựa hay chất bảo dưỡng lên trên bề mặt lớp màng.

Bảo vệ lớp phụ gia chống thấm

Có thể thi công một lớp vữa dày 2cm lên trên bề mặt lớp màng để tăng độ bền, tuổi thọ của lớp chống thấm.

Thử nước và nghiệm thu

Sau 4h kể từ lúc thi công xong, khi bề mặt lớp phụ gia hoặc lớp vữa đã se lại, tiến hành tưới ngập nước và để tối thiểu trong 24h để kiểm tra khả năng chống thấm.

nut san be tong nguyen nhan va cach xu ly vet nut 4821 4 Chống thấm sàn mái – Các biện pháp chống thấm và Quy trình thi công
Cán vữa sàn mái bảo vệ lớp chống thấm

Ưu nhược điểm của việc sử dụng phụ gia chống thấm gốc xi măng

Ưu điểm

  • Có tăng cường Polyme: Tăng khả năng bám dính trên nhiều loại mặt bằng khác nhau.
  • Cho hơi nước thoát qua: Cho phép bề mặt thở, tránh được ứng suất do áp lực hơi.
  • Co giãn: Chịu được dịch chuyển trung bình của khe nứt nhỏ (đến 0,3mm).
  • Chịu được thời tiết: Có thể sử dụng ngoài trời
  • Độ dẻo sệt cao: Có thể thi công bằng cọ hoặc phun.
  • Không độc: Có thể sử dụng cho bề mặt có tiếp xúc với nước uống.

Nhược điểm

Thời gian thi công lâu hơn so với các phương pháp khác do cần thực hiện rất nhiều công đoạn, trong đó phải tốn thêm thời gian để chờ vật liệu khô ráo.

Quy trình đòi hỏi nhân công thi công phải tỉ mỉ, cẩn thận, đặc biệt ở bước chuẩn bị mặt bằng.

Nếu thợ chống thấm không cẩn thận hoặc thi công không đúng kỹ thuật, có thể dẫn đến hiện tượng bị nổ bọt khí, không kín, lớp màng không bám dính tốt trên bề mặt bê tông dẫn đến dễ bị bong tróc, rửa trôi, mất tác dụng.

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *